Nhiều người chúng ta sẽ trở lại cuộc sống thường nhật một cách đầy tự tin. Vì trong giai đoạn ở nhà cách ly, chúng ta đã tìm ra được những tài lẻ mà trước nay mình không hề biết đến, như trồng cây, nấu nướng, may vá, trang trí, viết lách… Chúng ta hiểu rằng khả năng của bản thân là vô hạn, chỉ cần mình chịu thử và chịu làm.
Nhiều người sẽ cắm mặt làm bù cho những ngày work from home bị hạn chế ít nhiều, hoặc bắn CV khắp nơi để tìm việc mới, hoặc hào hứng xắn tay áo lên lao vào các cơ hội kinh doanh vừa nảy sinh.
Thái độ của chúng ta với công việc sẽ thay đổi. Chúng ta nhận ra rằng làm việc 24/7 hay 9/9/6 hay gì gì đi nữa không còn là chủ đề quá quan trọng để tranh cãi nữa. Làm thế nào cũng tốt, miễn là xong việc. Công việc nào cũng có ý nghĩa của nó. Lao động là vinh quang, còn hơn là tham gia vào “đội quân” mấy triệu người thất nghiệp.
Làm việc tại nhà sẽ trở nên phổ biến. Mỗi nhà sẽ có một góc làm việc. Nhiều công ty cho một số nhân viên và bộ phận work from home toàn/bán thời gian để tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, tiền trà nước, giữ xe… Sẽ có không ít nhân viên nhân cơ hội này tiết kiệm được thời gian đi lại, ăn trưa, nên học thêm dăm ba kỹ năng mới để làm thêm nghề tay trái, tăng gia sản xuất.
Chúng ta chăm học online hơn, vì nó rẻ, giảm thời gian và mở ra nhiều chân trời mới. Học ngoại ngữ, học thiết kế, học code, học nấu ăn, học trồng cây… Liệu sẽ hình thành một thế hệ thông minh, giỏi giang và toàn năng hơn không nhỉ?
Nhờ vào những kỹ năng mới học được, có người sẽ tìm ra những hướng đi mới cho sự nghiệp của mình. Chúng ta cởi mở và linh hoạt hơn. Chúng ta nhận ra rằng ở ngoài kia không chỉ có duy nhất một công việc lý tưởng, một thứ mà bản thân yêu thích và làm được.
Nhưng cùng lúc đó, sẽ có vài người còn tiền liền tức tốc lên kế hoạch chu du cho đã, thoả chí tang bồng sau những ngày cuồng chân cuồng tay. Bay nước ngoài chưa được thì bay nước trong. Họ chính là những người đầu tiên tham gia công cuộc khôi phục lại ngành du lịch đang bị đình trệ.
Công nghệ sẽ không còn là một món trang sức nữa, mà nó trở nên cần thiết với cuộc sống hơn bao giờ hết. Sự phát triển của robot cũng sẽ đến nhanh hơn. Đừng sợ robot sẽ “ăn cướp” công việc của con người. Robot sẽ làm thay những phần việc mà con người không muốn hoặc không thể làm, để cho chúng ta rảnh rang mà nặn những idea mới, tạo ra những ngành nghề và công việc mới.
Môi trường và khí hậu sẽ được đề cao hơn. Chúng ta sẽ thấy trái đất xanh sạch hơn. Những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh, nguyên liệu sạch vào cuộc sống sẽ được tăng lên.
Các doanh nghiệp sẽ hướng đến sự phát triển vững bền nhiều hơn, cả về quy trình sản xuất lẫn quản trị con người.
Con người chú ý đến sức khoẻ thể chất và tinh thần hơn. Việc đeo khẩu trang và rửa tay trở thành thói quen hàng ngày. Số người tập thiền để quay về với thế giới nội tâm của mình cũng sẽ nhiều hơn.
Chúng ta thấm thía giá trị của đồng tiền hơn. Những năm đầu sau đại dịch, chúng ta sẽ tăng phần tiết kiệm, dè sẻn mua sắm, học cách quản lý tiền bạc, tìm hiểu các cách đầu tư, tìm hiểu những sản phẩm ngân hàng thu lời dù nhỏ cho mình.
Con người sẽ quan tâm đến đồng loại nhiều hơn. Những khái niệm có vẻ cao xa như “nhân loại”, “lòng trắc ẩn” trở nên gần gũi và được thấu hiểu. Chuyện xảy ra ở một quốc gia xa xôi sẽ không còn bị xem là vô can đến sự sinh tồn của mình nữa, vì thế giới này đã thật sự phẳng rồi. Chúng ta hiểu rằng sự an toàn của bản thân, của cộng đồng và đất nước phụ thuộc vào sự an toàn của những người xung quanh.
Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện PLOT TWIST!
Liệu những thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn chỉ mang tính nhất thời? Con người mau quên, chủ quan và tham lam. Sau khi đã vượt qua thời điểm đen tối của lịch sử và cuộc đời rồi, chúng ta sẽ dễ xem nhẹ nó, bởi vì dù sao chúng ta đã chiến thắng cơ mà!
Điểm lại lịch sử thì cũng hơi sờ sợ - loài người đã trải qua nhiều đại dịch, nhiều chiến tranh, nhiều tai nạn, bốn cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta sáng tạo và phát minh ti tỉ thứ, nhưng cũng chính chúng ta gây ra hoạ sau lớn hơn hoạ trước. Vốn dĩ trước dịch bệnh, các tệ nạn và các vấn đề lớn nhỏ ở tầm cộng đồng, quốc gia và quốc tế đã nhiều đến mức giải quyết hoài không hết rồi. Vì vậy, hoàn toàn có khả năng chúng ta sẽ quay trở lại guồng sống y như cũ, lặp lại những thói quen không mấy tốt đẹp: ăn uống cho sướng miệng mà bỏ quên sức khoẻ, bệnh cảm không đeo khẩu trang, sớm bằng lòng với những thành công nhỏ, ngại học cái mới, xả rác bừa bãi, đốn rừng chặt cây…
Dịch bệnh này đã/đang/sẽ để lại nhiều vết thương lớn nhỏ. Nhưng mỗi vết thương chính là một cơ hội cho chúng ta sống mạnh mẽ hơn, phấn đấu vì những điều tốt đẹp. Đừng để bản thân mình Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog “bị thương” vô ích nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét