Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư mạnh vào UAV
Theo Strategy Page, trong những năm gần đây, các loại máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm tác chiến ở Syria, Yemen, Ukraine và Libya. Giờ đây, Trung Quốc, Israel và Mỹ đã có thêm đối thủ cạnh tranh trên thị trường UAV chiến đấu.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố các UAV của họ tại Syria đã tiêu diệt trên 2.500 mục tiêu, gần như tất cả những mục tiêu này đều thuộc về quân đội Syrira hoặc lực lượng ly khai người Kurd. Chúng bao gồm ít nhất 135 xe tăng, 40 xe bọc thép, 44 hệ thống phóng rocket đa nòng, 20 súng chống tăng, 29 hệ thống phòng không, 1 UAV, 8 trực thăng và 9 kho dự trữ đạn dược…
Thổ Nhĩ Kỳ còn mô tả một trong những hệ thống phòng không của Syria – tổ hợp Pantsir do Nga chế tạo – đã bị UAV của nước này phá hủy như thế nào.
Cụ thể, hệ thống gây nhiễu Koral của Thổ đã gây nhiễu các cảm biến của Pantsir để tạo cơ hội cho UAV Bayraker TB2 của nước này phá hủy tổ hợp này với 1 tên lửa dẫn đường bằng laser Mam-L. Ankara còn công bố hẳn video để chứng minh cho những gì mình nói (tuy nhiên các nguồn tin ủng hộ Syria phản bác rằng đó là video dàn dựng).
UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Army Recognition
Các nhà sản xuất UAV của Thổ đang thu hút được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Cuối năm 2018, Ukraine đã đặt hàng 2 hệ thống UAV Bayraktar TB2 trị giá 69 triệu USD.
Mỗi hệ thống gồm có 6 UAV, 3 hệ thống điều khiển-chỉ huy đặt trên khung gầm xe tải, 2 thiết bị đầu cuối video và phụ tùng bảo dưỡng. Các hệ thống này lần lượt được chuyển giao cho Ukraine trong năm 2019 và 2020.
Ukraine là khách hàng thứ 2 của hệ thống UAV Bayraker. Trước đó, Qatar đã đặt mua một hệ thống này. Khách hàng tiếp theo là Saudi Arabia.
Thổ Nhĩ Kỳ không công bố nhiều thông tin về thiệt hại UAV trong chiến đấu. Tại Libya, nơi đang có hàng trăm lính Thổ và hàng nghìn lính đánh thuê Syria tham chiến, UAV Bayraktar TB2 đã được sử dụng rất nhiều.
Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA – phe đối lập với Chính phủ đoàn kết các dân tộc Libya – GNA) tuyên bố đã bắn hạ 28 chiếc TB2 hồi giữa tháng 4 vừa qua.
Tại Ukraine, các UAV Bayraktar TB2 được sử dụng để đối phó với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Lực lượng này được trang bị khá nhiều vũ khí phòng không và đã bắn hạ một số chiếc TB2. Tuy nhiên, bất chấp những thiệt hại này, các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện được khả năng hoạt động như kỳ vọng.
Có vượt mặt được Trung Quốc trên thị trường?
Công ty chế tạo Bayraktar đã vay mượn nhiều công nghệ thương mại từng được chứng minh hiệu quả trên thị trường. Kết quả, họ đã cho ra đời mẫu UAV đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được thiết kế và chế tạo nội địa. Bayraktar được đưa vào biên chế trong năm 2014 và tới năm 2016 nó được trang bị 2 tên lửa Mam-L dẫn đường bằng laser.
Cùng công ty này sau đó đã cho ra đời UAV Bayraktar mini với kích cỡ nhỏ hơn nhiều, chạy bằng pin.
Thổ Nhĩ Kỳ còn có một công ty khác chuyên sản xuất các UAV cỡ lớn phục vụ thương mại và quân sự, tên là Vestel. Năm 2016, Vestel đã cung cấp cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một thiết kế UAV cỡ lớn mới, gọi là Karayel. Năm 2019, Karayel có khách hàng đầu tiên là Saudi Arabia.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai mẫu UAV này ở Syria và dùng nó để chống lại các phần tử ly khai người Kurd ở đông Thổ Nhĩ Kỳ. Họ tỏ ra hài lòng với kết quả mà Karayel mang lại.
UAV Karayel tại một triển lãm quốc phòng. Ảnh: Defense News
Karayel là mẫu UAV nặng nửa tấn, có thời gian bay tối đa 20 tiếng, phạm vi hoạt động 200km nhưng có thể bay xa hơn với các chuyến bay được lập trình trước. Karayel có thể bay ở độ cao 6.500m để tránh được hầu hết các loại vũ khí phòng không.
Ít nhất một chiếc Karayel đã bị quân nổi dậy bắn hạ tại Yemen khi nó đang hoạt động dọc biên giới Saudi. Chiếc UAV này có lẽ đã phải bay thấp hơn bình thường để ghi hình chi tiết những gì đang diễn ra dưới mặt đất và rơi vào tầm bắn của tên lửa phòng không. Cũng có thể nó đã gặp trục trặc kỹ thuật.
Đầu năm 2018, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ còn tiếp nhận 6 trong tổng số 40 chiếc UAV Anka đã đặt hàng hồi năm 2013. Vào thời điểm đó, có 8 chiếc Ankas đã được chế tạo nhưng 2 chiếc gặp nạn trong quá trình thử nghiệm.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng thuê một số chiếc UAV Heron để sử dụng. Tới năm 2017, chúng được trả về cho Israel. Sau đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu một công ty trong nước chế tạo loại UAV tương tự để phục vụ quân đội, và đó là lý do Ankas được phát triển.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương nỗ lực khiến nước này tự tin hơn về khí tài quân sự, và sự ra đời của các UAV cũng là một phần của chương trình này.
UAV cũng là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Trung Quốc. Ảnh: Air Force Technology
Ngoài các mẫu UAV trên, vào năm 2017, STM- một công ty nhà nước khác của Thổ đã tung ra thị trường 3 loại UAV mới được phát triển nội địa.Những UAV này (Alpagu, Kargu và Togan) có thiết kế đơn giản hơn và kích cỡ nhỏ hơn các mẫu trước.
STM tuyên bố cả 3 mẫu UAV của họ đã được đưa vào hoạt động, điều đó có nghĩa quân đội, cũng như cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đều đã thử nghiệm chúng và nhận thấy hiệu quả.
Điều mà các nhà sản xuất mong muốn là doanh số dịch thuật xuất khẩu và những UAV này đang tiếp cận một thị trường vốn đã đông đúc và có tính cạnh tranh cao, trong đó đối thủ nặng ký nhất là các công ty Trung Quốc. Lĩnh vực xuất khẩu UAV hiện đang là thế mạnh của Trung Quốc, các công ty nước này đang liên tục đổi mới và cho ra đời các mẫu UAV mới để thu hút khách hàng.
Theo Strategy, ngay cả Israel cũng đang sử dụng một số mẫu máy bay không người lái của Trung Quốc trong ngành quân đội và cảnh sát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét